image banner
TIN MỚI
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 25
  • Trong tháng: 2,520
  • Tất cả: 82,919
KHU TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN NGUYỄN VIỆT KHÁI

Khu Tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái tọa lạc tại ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau là địa điểm ghi nhận chiến công của đồng chí Nguyễn Việt Khái bắn rơi máy bay địch, nơi thể hiện tấm lòng tri ân của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với vị anh hùng đã hy sinh vì quê hương, đất nước.

THÔNG TIN CHUNG

 

Địa điểm: Ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Quyết định xếp hạng: Quyết định số 1098/QĐ-UBND ngày 09/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Cơ quan được phân cấp quản lý di tích:

- UBND huyện Phú Tân;

- UBND xã Tân Hưng Tây

Người viết lý lịch: Nguyễn Văn Tâm và Nguyễn Di Linh

anh tin bai

 

LÝ LỊCH KHOA HỌC DI TÍCH

 

A. Nội dung tóm tắt

Khu Tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái tọa lạc tại ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau là địa điểm ghi nhận chiến công của đồng chí Nguyễn Việt Khái bắn rơi máy bay địch, nơi thể hiện tấm lòng tri ân của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với vị anh hùng đã hy sinh vì quê hương, đất nước.

Đồng chí Nguyễn Việt Khái tên thật là Nguyễn Văn Huôi, sinh năm 1938, quê ở xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân. Tham gia cách mạng năm 1954, phụ trách liên lạc và công tác thanh niên của xã; Năm 1960, đồng chí làm Đội trưởng đội du kích ấp. Năm 1962, đồng chí được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ lực lượng du kích xã Tân Hưng Tây.

Ngày 08 tháng 12 năm 1962, khi được tin địch đổ quân đánh phá các khu vực Cái Bát, Rạch Chèo. Lực lượng du kích và địa phương quân triển khai đánh địch. Đồng chí Nguyễn Việt Khái với 08 viên đạn súng carbine, đã bắn rơi 4 máy bay “Sâu Rọm” của địch, một chiếc rơi tại Kinh Năm, một chiếc rơi tại đầu kinh Ông Xe, hai chiếc còn lại rơi ở Cỏ Xước (nay thuộc huyện Trần Văn Thời).

Từ thực tiễn chiến công của đội du kích xã Tân Hưng Tây mà đại diện là đồng chí Nguyễn Việt Khái đã giải tỏa được tâm lý sợ chiến thuật “Trực thăng vận” của Mỹ và đã mở ra khả năng đánh bại chiến thuật “Phượng hoàng bay” của Mỹ, cổ vũ phong trào săn diệt trực thăng trong toàn tỉnh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến huyện, xã, ấp đều ráo riết luyện tập bắn máy bay địch.

Ngày 31/10/1963, trong trận đánh đồn Vàm Cái Tàu, đồng chí Nguyễn Việt Khái đã hy sinh anh dũng, khi ấy, đồng chí là Trung đội trưởng Trung đội 3, Ðại đội Quyết Chiến, Tiểu đoàn U Minh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Khu Tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái tại Quyết định số 1098 /QĐ-UBND ngày 09/6/2021.

B. Nội dung chi tiết

1. Tên gọi di tích

Khu Tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái.

2. Địa điểm và đường đi đến di tích

a. Địa điểm di tích:

Khu Tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Nguyễn Việt Khái tọa lạc tại ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

b. Đường đi đến di tích:

Đường bộ: Di tích cách Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau khoảng 60km, đi được bằng ô tô. Từ UBND tỉnh Cà Mau đi đường Quốc lộ 1A khoảng 30km đến thị trấn Cái Nước. Từ thị trấn Cái Nước đi khoảng 3km rẽ phải theo tuyến lộ liên xã về thị trấn Cái Đôi Vàm khoảng 15km đến ngã ba Vàm Đình, rẽ trái đi khoảng 8 km đến cầu Kênh Mới, không qua cầu, rẽ trái đi khoảng 3km đến ngã ba, rẽ trái khoảng 500m, rẽ phải, qua cầu, đi thẳng khoảng 500m đến ngã ba, rẽ phải 100m, rẽ trái và đi thẳng khoảng 1,5km, di tích bên trái (Vàm kinh Ông Xe).

Đường thủy: Từ UBND tỉnh Cà Mau đi về hướng cầu Gành Hào, qua cầu, rẽ trái đi khoảng 1km đến bến tàu B. Từ bến tàu B, đi khoảng 50km theo tuyến sông Gành Hào đến ngã ba sông xã Hàm Rồng, đi thẳng khoảng 15km theo tuyến sông Bảy Háp đến Chợ Rạch Chèo, rẽ phải khoảng 5km là đến di tích

3. Phân loại di tích

Di tích lịch sử

4. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích

Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Từ vĩ tuyến 17 trở ra, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, vĩ tuyến 17 trở vào, miền Nam còn trong sự kiểm soát của địch.

Tại Cà Mau, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đưa quân đóng lại các đồn bót ở khắp nơi trong tỉnh và dựng lên bộ máy cai trị từ tỉnh đến xã, ấp vốn là vùng giải phóng trước đây. Chúng lập ra các tổ chức như: “Lực lượng bảo vệ hương thôn”, “Thanh niên Cộng hòa”, “Phong trào cách mạng Quốc gia” … Đồng thời, tăng cường lực lượng cảnh sát, công an, mật vụ và lập ra các “ngũ gia liên bảo[1]” để theo dõi, giám sát, kềm kẹp phong trào cách mạng.

Đầu năm 1960, địch tăng cường đánh phá và thực hiện chương trình dồn dân lập ấp “Ấp chiến lược”. Địch càn quét đến đâu thì dồn dân đến đó để đưa vào ấp chiến lược, nhằm tách dân ra khỏi Đảng. Đây là âm mưu chiến lược của địch để ngăn chặn sự phát triển phong trào cách mạng[2].

Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Cuối năm 1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cà Mau làm lễ ra mắt đồng bào tại xã Phú Mỹ A.[3]

Chủ trương của Đảng ta đánh địch bằng “Hai chân – Ba mũi”[4] trên ba vùng chiến lược và đánh địch bằng ba lực lượng: Vũ trang, Chính trị, Binh vận và ba thứ quân: Du kích, địa phương quân và chủ lực, quyết phá tan ấp chiến lược, làm thất bại “Chiến tranh đặc biệt”[5] của địch.

Cùng với cả nước, chiến sĩ và Nhân dân xã Tân Hưng Tây đã ghi nhiều chiến công trong cuộc chiến vệ quốc như: Vàm Đình, Quảng Phú, Lung Sình, Ngò Om, Trâm Bầu, Kinh Mới, Kinh Ông Xe, Kinh Tư[6] … Trong những chiến công đó, có sự đóng góp không nhỏ của đồng chí Nguyễn Việt Khái, người con của vùng đất anh hùng.

Đồng chí Nguyễn Việt Khái được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng giàu lòng yêu nước và có truyền thống cách mạng ở ấp Tân Quảng A, xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước (nay là xã Nguyễn Việt Khái), gia đình có 07 anh, chị em, đồng chí Nguyễn Việt Khái là con thứ 3.

Đồng chí Nguyễn Việt Khái tên thật là Nguyễn Văn Huôi, sinh năm 1938[7], dân tộc Kinh, quê ở xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân. Tham gia cách mạng năm 1954, làm liên lạc của xã, sau đó công tác thanh niên; Năm 1960, đồng chí Nguyễn Việt Khái vào du kích ấp, làm Ấp đội trưởng. Năm 1962, đồng chí Nguyễn Việt Khái được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ lực lượng du kích xã Tân Hưng Tây.

Tháng 3 năm 1962, quân địch dùng trực thăng “Sâu Rọm” (là tên gọi địa phương chỉ máy bay H-47[8] của Mỹ) đổ quân càn quét ở Thanh Tùng, gây nhiều thiệt hại cho quân và dân ta. Để huỷ diệt màu xanh và sự sống, địch cho máy bay vận tải rải chất độc hóa học từ Đầm Cùng đến vàm biển Cái Đôi, dọc hai bờ sông Bảy Háp, hủy diệt hàng trăm hecta rừng và bắn phá bừa bãi vào các xóm làng, đốt phá nhà cửa của Nhân dân ta. Thực hiện chủ trương của cấp trên, Nhân dân thi nhau cắm cọc chống trực thăng, nhiều nơi dùng dây chuối, dây mây giăng khắp đồng ruộng để chống trực thăng đổ quân[9].

Đơn vị du kích xã Tân Hưng Tây trưởng thành từ Làng rừng và đã từng tham chiến các trận Mang Rỗ, Dinh Điền, Cái Cám, Bình Hưng[10], lực lượng đã phát triển vững mạnh. Ban Chỉ huy Xã đội gồm các đồng chí Sáu Đe, Bí thư -Chính trị viên Xã đội, Năm Chiến - Xã đội trưởng. Đơn vị được trang bị Carbine[11], Garand[12], ngựa trời[13], súng độc lập, mìn, lựu đạn … do “Công trường” xã sản xuất. Tiểu đội do đồng chí Nguyễn Việt Khái phụ trách gồm các đồng chí: Chiến, Hùng, Thắng, Dũng, Vui, Oai, Bình, Tươi, Xứng, Đê…[14]

Đồng chí Nguyễn Việt Khái được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng du kích của xã. Năm 1962, bọn địch ở đặc khu Bình Hưng, bí mật tập trung khoảng 600 quân chia làm 3 mũi, bất ngờ bao vây đánh úp cơ quan chỉ huy xã và lực lượng du kích, cướp của cải rồi dời dân vào ấp chiến lược. Trước tình huống vô cùng bất lợi, đồng chí Nguyễn Việt Khái đã chỉ huy một tổ du kích đánh trả quyết liệt, 10 đồng chí du kích đã lần lượt hy sinh nhưng đồng chí Nguyễn Việt Khái vẫn tổ chức cho những đồng chí du kích còn lại tiếp tục chiến đấu, bảo vệ cho cán bộ rút lui an toàn. Phía địch bị thiệt hại nặng nề, địch đã buộc phải rút quân, bỏ dở cuộc càn quét.

Ngày 08 tháng 12 năm 1962, khi được tin địch đổ quân đánh phá các khu vực Cái Bát, Rạch Chèo, Tân Hưng Tây. Lực lượng du kích và địa phương quân triển khai đánh địch. Sau khi máy bay trinh sát chỉ đường, nhiều máy bay “Sâu Rọm” lao tới đổ quân, Đội trưởng dukích Nguyễn Việt Khái cùng tổ cảnh giới lập tức nổ súng tiến công với tinh thần “phải diệt địch trước khi nó chưa kịp đặt chân xuống đất”. Đồng chí Nguyễn Việt Khái với 08 viên đạn súng carbine, đã bắn rơi 4 máy bay “Sâu Rọm”, một chiếc rơi tại Kinh Năm, một chiếc rơi tại đầu kinh Ông Xe (tháng 5 năm 2000, bà con ở kinh Ông Xe đã lấy được nhiều bộ phận[15] của chiếc “Sâu rọm” bị bắn rơi năm 1962). Hai chiếc còn lại bị rơi ở Cỏ Xước (nay thuộc huyện Trần Văn Thời). Cuộc càn quét, đổ bộ bằng trực thăng với quy mô lớn của địch đã bị quân ta chặn đứng, tiêu diệt.

Ông Ngô Văn Nhị, ở ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, là người đã chứng kiến trận đánh, cho biết: "Ðơn vị anh Nguyễn Việt Khái đóng tại kinh Năm, lúc đó đơn vị đi công tác chỉ có đồng chí Khái và ông Sáu Hoà ở nhà. Khi đổ quân, anh Ba Khái chạy ra rẫy khoai của người dân, lúc này máy bay đổ quân xuống. Anh Ba Khái kéo dây khoai đắp lên mình và bắn máy bay, bắn mấy phát đầu thì máy bay rơi xuống".

Chính quyền địa phương tổ chức họp mít tinh mừng chiến thắng và trưng bày bộ phận của chiếc máy bay bị bắn rơi. Đồng chí Nguyễn Việt Khái lên khán đài trình bày rõ trường hợp nổ súng vào máy bay của Mỹ, đồng thời kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ, tham gia du kích quyết đánh thắng chiến tranh xâm lược, giải phóng quê hương đất nước.

Ông Trần Văn Thám, ở ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, cho biết: "Sau khi bắn rơi trực thăng, Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau xuống họp mặt Nhân dân địa phương biểu dương tinh thần chiến đấu của đồng chí Ba Khái. Qua đó Nhân dân mới thấy hết giá trị của trận đánh".

Xác máy bay được đồng chí Hai Trung và ông Năm Côn, ông Sáu Mão lấy về để sản xuất vũ khí. Đồng chí Tám Sấn được tin, đã trực tiếp tổ chức Hội nghị Huyện ủy - đánh giá thắng lợi đặc biệt to lớn và phát động nhân rộng kết quả này.[16]

Từ thực tiễn chiến công của đội du kích xã Tân Hưng Tây mà đại diện là anh hùng Nguyễn Việt Khái đã giải tỏa được tư tưởng ngán sợ chiến thuật trực thăng vận của Mỹ và đã mở ra khả năng đánh bại chiến thuật Phượng hoàng bay của Mỹ, cổ vũ phong trào săn diệt trực thăng trong toàn tỉnh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến huyện, xã, ấp đều ráo riết luyện tập bắn máy bay địch.

Sau đó, đồng chí Nguyễn Việt Khái được điều động về tỉnh, được cử đi học và khi trở về được phân công giữ chức Trung đội phó, Đại đội Quyết Chiến thuộc Tiểu đoàn U Minh 2.

Ngày 31/10/1963[17], trong trận đánh đồn Vàm Cái Tàu, giữa lúc trận đánh đang quyết liệt thì đồng chí Trung đội trưởng hy sinh, đồng chí Nguyễn Việt Khái lên thay, tiếp tục chỉ huy đơn vị xung phong vào đồn địch và Đồng chí Nguyễn Việt Khái đã hy sinh anh dũng. Khi ấy, đồng chí Nguyễn Việt Khái là Trung đội trưởng Trung đội 3, Ðại đội Quyết Chiến, Tiểu đoàn U Minh 2.

Suốt quá trình chiến đấu, mặc dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ, đồng chí Nguyễn Việt Khái vẫn luôn dũng cảm, mưu trí, vượt qua mọi khó khăn, trung thành với Ðảng, với cách mạng, tích cực xây dựng phong trào, xây dựng cơ sở. Ðặc biệt, trong chiến đấu, đồng chí Nguyễn Việt Khái rất gan dạ, lập nhiều chiến công xuất sắc và bắn rơi 4 máy bay địch.

Đồng chí Nguyễn Việt Khái là một cán bộ gương mẫu, dũng cảm, kiên cường, trung thực, có lối sống giản dị, lành mạnh, được cấp trên tin cậy, nhân dân quý mến. Đồng chí được tặng thưởng 01 huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhất, 02 lần được bầu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và Quân khu. Ngày 5/5/1965, Ông được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang giải phóng (do ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn ký); Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba; gia đình ông nhận bằng Tổ Quốc ghi công theo Quyết định số 486/TTga ngày 15/5/1978 (cấp lại bằng Tổ Quốc ghi công ngày 18/3/2020).

Năm 1966, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Cà Mau thành lập, lấy phiên hiệu “Đại đội Nguyễn Việt Khái I” gồm 106 người, có 53 nữ, lên phục vụ chiến trường Đông Nam bộ. Sau đó, lần lượt các Đại đội TNXP Nguyễn Việt Khái II, III được thành lập, gồm 240 người, có 175 nữ hoạt động tuyến đường 1C.[18]

Hiện nay, ở tỉnh Cà Mau có một xã của huyện Phú Tân mang tên Anh hùng Nguyễn Việt Khái, hai trường học và hai con đường mang tên Anh hùng Nguyễn Việt Khái (ở thành phố Cà Mau và huyện Phú Tân).

5. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

Tại di tích, có các hoạt động điển hình như: Ngày giỗ của Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái (ngày 15/10 âm lịch), Ngày thương binh liệt sĩ hàng năm (27/7), các hoạt động về nguồn của Đoàn Thanh niên và Cựu Chiến binh và các hoat động tuyên truyền, giáo dục truyền thống của các Sở, Ban, Ngành cấp xã, huyện, tỉnh.

6. Khảo tả di tích

Khu Tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái là nơi thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Việt Khái - người chiến sĩ hy sinh anh dũng đã có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình đấu tranh, chiến đấu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đã được Đảng và Nhà nước ghi công.

Khu Tưởng niệm được xây dựng trên diện tích 1.138 m2[19], tại ngã ba sông, đầu kinh Ông Xe. Khu đất đã được xây dựng hàng rào bằng bê tông cốt thép xung quanh, toàn bộ mặt sân lát gạch tự chèn; Bia Tưởng niệm ở vị trí giữa sân[20].

* Khu vực bảo vệ I của di tích có diện tích 81 m2 (9mx9m), gồm có Bia Tưởng niệm và bậc cấp xung quanh Bia, chi tiết như:

- Bia Tưởng niệm có hình dạng là hình trụ vuông, kích thước 1,5m x 1,5m, cao 9m, xung quanh ốp đá granit màu xám. Chân Bia đắp xi măng cách điệu hình dáng hai bàn tay, màu trắng.

- Trên thân bia (mặt hướng ra cổng chính) có phù điêu hình hoa sen ở dưới, trên là bức phù điêu Thể hiện chân dung anh hùng Nguyễn Việt Khái đang bắn súng trong tư thế quỳ gối. Trên phù điêu có ghi chữ “Anh hùng Nguyễn Việt Khái” và ngày bắn rơi máy bay địch “08–12-1962”. Toàn bộ phù điêu được sơn màu nhũ đồng. Trên đỉnh thân bia có dòng chữ “Bia Tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái”, chữ màu nhũ đồng.

- Mặt sau bia, có phù điêu hình hoa sen ở dưới màu nhủ đồng, trên là bảng tóm tắt sự kiện tại di tích bằng đá granit màu đen, chữ khắc chìm.

- Hai mặt bên bia còn lại, ốp đá granit màu xám, không có nội dung.

- Bậc cấp xung quanh bia (hai bậc), mặt lát đá granit. Trên bậc cấp thứ nhất có đặt một lư hương màu nhũ đồng ở mặt hướng ra cổng chính, trên lư hương có hoa văn.

* Khu vực bảo vệ II của di tích gồm sân và hàng rào xung quanh bia, diện tích 144m2.

Mặt sân lát gạch tự chèn màu nâu đỏ; hàng rào xung quanh bằng bê tông cốt thép và gạch thông gió màu đỏ gạch.

7. Sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích

Di tích chỉ còn hình ảnh tư liệu anh hùng Nguyễn Việt Khái.

8. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

Khu Tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái là địa điểm ghi nhận chiến công của đồng chí Nguyễn Việt Khái bắn rơi máy bay địch, đồng thời là nơi thể hiện tấm lòng tri ân của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với vị anh hùng đã hy sinh vì quê hương, đất nước.

Thông qua các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích, sẽ góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu sâu hơn về tấm gương chiến đấu và phẩm chất cách mạng tốt đẹp của đồng chí Nguyễn Việt Khái và đội du kích xã Tân Hưng Tây anh hùng.

9. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích

Năm 2009, nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, huyện Phú Tân long trọng tổ chức khánh thành Khu Tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái. Uỷ ban nhân dân xã Tân Hưng Tây quản lý, Đoàn Thanh niên xã thực hiện việc vệ sinh, chăm sóc cây xanh, cảnh quan.

10. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích

Sau khi được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, di tích phải được phân cấp quản lý và phát huy giá trị đúng theo quy định của Luật Di sản Văn hoá. Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tập trung thực hiện:

- Chính quyền địa phương, cùng với Nhân dân tiếp tục gìn giữ, bảo quản tốt cơ sở vật chất, các công trình đã được xây dựng tại di tích;

- Chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp của di tích; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử của di tích đến người dân; tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động, sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với di tích;

- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng góp phần bằng những hoạt động thiết thực, hỗ trợ tinh thần để giữ gìn, phát huy giá trị của di tích.

11. Kết luận

Khu Tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái đã được kiểm kê thuộc Danh mục đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 1153/QĐ-UBND ngày 12/7/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau về việc ban hành danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giá trị văn hoá, lịch sử đã được khẳng định và có đủ cơ sở khoa học và pháp lý để xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Do đó, việc đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Khu Tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Việt Khái là phù hợp với qui định.

12. Tài liệu tham khảo

a. Tài liệu tham khảo:

- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau (2004): Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cà Mau, tập I (1930-1975), Nxb Mũi Cà Mau;

- Ban Tuyên giáo tỉnh ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, Nxb Mũi Cà Mau;

- Đảng ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau - Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Nxb Quân đội Nhân dân (1996), tập 2, trang 18-19;

- Đảng ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau - Tập thể cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Cà Mau, Nxb Quân đội Nhân dân (2018), trang 357-358;

- Đảng ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau - Lịch sử Công tác Đảng công tác chính trị lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau (1945-1975), Nxb Quân đội Nhân dân (2018).

- Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân Hưng Tây, Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hưng Tây Anh hùng, (1930-1945), tập I;

- Lời kể của gia đình đồng chí Nguyễn Việt Khái; ông Ngô Văn Nhị; ông Trần Văn Thám.

- Tư liệu của tác giả Trường Sơn Đông.

b. Phụ lục:

13. Xác định cá nhân, tổ chức lập lý lịch di tích

[1] “Ngũ gia liên bảo” là hình thức tổ chức phong trào quần chúng bảo mật phòng gian trong Kháng chiến chống Pháp (1945-1954) ở vùng tự do Nam Bộ. Mỗi tổ gồm 5 gia đình ở liền nhau, có tổ trưởng phụ trách.

[2] Ban Tuyên giáo tỉnh ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là;

[3] Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hưng Tây Anh hùng, tập I (1930-1975), trang 93.

[4] Hai chân – Ba mũi: là cách nói vắn tắt về phương châm chiến đấu của Đảng ta những năm thực hiện nghị quyết 15 (1960 và sau đó). Hai chân là song song giữa chính trị và vũ trang tấn công địch. Ba mũi là chính trị, vũ trang, binh vận, bén nhọn xốc tới ba vùng: Vùng giặc tạm chiếm, vùng tranh chấp giữa ta và địch và vùng giải phóng.

[5] "Chiến tranh đặc biệt'' là hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ, được tiến hành bằng quân đội tay sai, dưới sự chỉ huy của hệ thống cố vấn" quân sự và dựa vào vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh của Mỹ nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta. Âm mưu cơ bản của "Chiến tranh đặc biệt" là "dùng người Việt đánh người Việt"

[6] Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hưng Tây Anh hùng, tập I (1939-1945), trang 1;

[7] Căn cứ trên Giấy báo tử số hồ sơ 7531do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Minh Hải, số: 5716, ngày 01 tháng 6 năm 1977. Tuy nhiên, có nhiều tài liệu ghi ông sinh năm 1940.

[8] Máy bay H-47 (hay còn gọi là “Sâu Róm”, “Sâu Rọm”. là máy bay trực thăng vận tải hạng nặng 2 động cơ cánh quạt do Boeing Intergrated Defense Systems thiết kế và chế tạo vào năm 1962;

[9] Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hưng Tây Anh hùng (1930-1975), tập I, trang 94;

[10] Dinh điền là một kế hoạch của nền Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam đưa vào áp dụng để đưa dân đến vùng chưa canh tác để trồng trọt phát triển kinh tế cùng ngăn cản sự xâm nhập của lực lượng ta; Dinh điền thuộc Tổng ủy Dinh điền điều khiển, phụ thuộc Phủ Tổng thống. Ở Cà Mau có 02 khu dinh điền là Cái Cám và Bình Hưng;

[11] Súng Carbine (phiên âm tiếng Việt là Cạc-bin) là loại súng dài nhưng vẫn ngắn hơn súng trường. Nhiều loại súng Carbine chỉ là biến thể rút ngắn của súng trường, dùng chung loại đạn với súng trường nhưng sơ tốc đạn thấp hơn do nòng súng ngắn bị rút ngắn lại - theo https://vi.wikipedia.org/;

[12] Súng trường M1 Garand là loại súng trường bán tự động do nhà thiết kế vũ khí người Mỹ gốc Canada là John Garand thiết kế vào năm 1928 – theo https://vi.wikipedia.org/.

[13] Đây là loại súng do ta chế tạo, có nòng là một ống sắt dài, có hai chân chống. Đạn là mảnh chai vỡ, sắt vụn tẩm thuốc độc, được phóng đi bằng thuốc phóng tận dụng. Trong khoảng 20m trở lại, người bị trúng đạn có thể chết vì thuốc độc. Do cấu tạo và hình dáng của súng có hai chân phía trước nên gọi là “súng ngựa trời”.

[14] Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hưng Tây Anh hùng, (1930-1975), tập I, trang 95.

[15] Bộ phận của máy bay còn được lưu giữ tại nhà Đồng chí Nguyễn Việt Khải, là con út của ông Nguyễn Việt Khái.

[16] Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hưng Tây Anh hùng, (1930-1975), tập I, trang 96.

[17] Nhiều tài liệu không nêu rõ ngày hy sinh. Theo thông tin từ gia đình, ngày cúng cơm của Đồng chí Nguyễn Việt Khái là 15/10 Âm lịch hàng năm (qui đổi lại là ngày 31/10/1963 Dương lịch). Đồng chí hy sinh để lại vợ là Bà Huỳnh Thị Diệu (sinh năm 1942) và hai người con là ông Nguyễn Việt Nghị (sinh năm 1962) và ông Nguyễn Việt Khải (Nguyễn Việt Lực) còn trong bụng mẹ (sinh năm 1963). Mộ ông ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu.

[18] Theo tư liệu của tác giả Trường Sơn Đông (Nguyễn Vĩnh Nghiệp);

[19] Ông Phạm Quốc Hùng ở ấp Cái Bát, xã Tân Hung Tây hiến đất để xây dựng di tích;

[20] Tác giả Bia Tưởng niệm là ông Nguyễn Hoàng Măng, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Tân.

Tải về

Tác giả: Cẩm Hường tổng hợp

Liên hệ

Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Phú Tân

Địa chỉ:Thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau