image banner
TIN MỚI
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 41
  • Trong tháng: 2,536
  • Tất cả: 82,935
BIỆT KHU HẢI YẾN - BÌNH HƯNG
Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng thuộc ấp Thanh Đạm, xã Tân Hải, huyện Phú Tân được xếp hạng di tích quốc gia Di tích lịch sử Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng tại Quyết định số 30/2000/QĐ-BVHTT ngày 24/11/2000 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Địa điểm di tích: ấp Thanh Đạm, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Quyết định xếp hạng: Quyết định số 30/2000/QĐ-BVHTT ngày 24/11/2000 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Cơ quan được phân cấp quản lý di tích: Bảo tàng tỉnh Cà Mau.

Người viết lý lịch: Hồ Văn Khải

anh tin bai

 

LÝ LỊCH KHOA HỌC DI TÍCH

 

A. Nội dung tóm tắt

Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng thuộc ấp Thanh Đạm, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, nằm bên kênh Cái Đôi, cách thị trấn Cái Đôi Vàm khoảng 4 km.

Năm 1957, Mỹ - Diệm bố trí Nguyễn Lạc Hóa cùng 80 hộ dân theo đạo Thiên Chúa di cư đến hai bên kênh xáng Thọ May, xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước và thành lập xứ đạo Phú Mỹ. Sau đó, khu dinh điền Phú Mỹ được dời về ấp Thanh Đạm, xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước, thành lập khu dinh điền Cái Cám. Cùng thời gian này, Nguyễn Lạc Hóa vận động và thu nhận 120 gia đình di cư người dân tộc thiểu số, những phần tử ác ôn trong lực lượng di cư cùng một số thanh niên trong xứ đạo, thành lập các trung đội địa phương, đồng thời xin cấp phát thiết bị, súng đạn phục vụ cho việc xây dựng biệt khu Hải Yến - Bình Hưng. Nguyễn Lạc Hóa đã kích động, dung dưỡng cho bọn này tự do bắn người, hãm hiếp, chặt đầu, mổ bụng lấy mật, moi gan, gây biết bao đau thương, mất mát đối với nhân dân và chiến sĩ cách mạng ở Cà Mau.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bảo tàng tỉnh Cà Mau, tại Bình Hưng - Hải Yến đã thảm sát, giết hại 1.675 cán bộ và đồng bào.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia Di tích lịch sử Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng tại Quyết định số 30/2000/QĐ-BVHTT ngày 24/11/2000.

B. Nội dung chi tiết

Tên gọi khác: Dinh Điền Phú Mỹ, Biệt Khu Hải Yến.

1. Sự kiện, nhân vật lịch sử

Bối cảnh lịch sử-xã hội đương thời: Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Ngày 20-7-1954 chính phủ Pháp phải ký hiệp định giơ- ne - vơ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương và thừa nhận chủ quyền độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thực dân Pháp phải rút quân về nước, miền Bắc được giải phóng miền Nam chịu sự chiếm đóng và quản lý của quân đội Pháp và tay sai.

Sau khi quân đội Pháp thua ở miền Bắc, một lực lượng đông đảo đồng bào theo đạo Thiên Chúa, bọn phản động tay sai và một số tàn quân Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch bị Pháp mua chuộc chạy vào miền Nam tiếp tục chống phá cách mạng của ta.

Với âm mưu xâm lược của bọn sen đầm quốc tế, thực chất là đế quốc Mỹ cầm đầu phá hoại hiệp định giơ- ne- vơ. Mỹ hất cẳng Pháp ra khỏi miền Nam, lập nên chính quyền Ngô Đình Diệm, một chính quyền tay sai đắc lực cho Mỹ tiếp tục thực hiện nhiều âm mưu đàn áp nhân dân, chống phá cách mạng, chia rẽ tôn giáo, gây hận thù dân tộc. Thực hiện âm mưu đen tối của Mỹ. Tập đoàn gia đình tay sai Ngô Đình Diệm, ra sức đàn áp Phật giáo, chúng dùng mọi thủ đoạn để phát triển mạnh mẽ lực lượng đạo Thiên Chúa ở miền Nam.

Tháng 7-1957 chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đưa về Minh Hải (cũ) một sư đoàn chủ lực cùng lực lượng bảo an, mật vụ địa phương, tăng cường khủng bố đàn áp phong trào cách mạng. Đồng thời Diệm đưa một lực lượng đồng bào giáo dân từ miền trên về huyện Sử - Thới Bình dựng lên 17 nhà thờ, với ý đồ chống phá cách mạng. Nhân dân huyện Sử quyết tâm đồng loạt phản đối và vận động bà con giáo dân trở về quê hương làm ăn. Kết quả âm mưu, kế hoạch của bọn phản động cách mạng đã bị thất bại.

Mặc dù thất bại ở huyện Sử, nhưng bọn phản động tay sai không từ bỏ những âm mưu đen tối. Chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục đưa linh mục Nguyễn Lạc Hóa cùng 80 gia đình giáo dân, trong số này đa số là người Hoa (tàn quân Quốc dân Đảng Tưởng giới Thạch) hay còn gọi là lính Tàu Phù, và số ít gia đình giáo dân di cư từ miền Trung, miền Bắc vào miền Nam, đến xã Phú Mỹ lập khu Dinh Điền và xây dựng nhà thờ Phú Hưng. Khi nhà thờ được làm xong, Nguyễn Lạc Hóa tổ chức làm lễ khánh thành vào ngày 25-12-1957 (ngày lễ Noel). Trong buổi lễ, Hóa mời tất cả đồng bào giáo dân và nhân dân địa phương xã Phú Mỹ - Tân Hưng đến dự, ai đến được thầy Cả Hoa cho bánh mì và đường.

Đến đầu năm 1958 Nguyễn Lạc Hóa chuyển Khu Dinh Điền Phú Mỹ về ấp Thanh Đạm (bên bờ sông Cái Đôi ngày nay) xây dựng khu Dinh Điền mới với quy mô lớn hơn và được gọi là Biệt Khu Hải Yến.

2. Đôi nét về Nguyễn Lạc Hóa và gia đình

Linh mục Nguyễn Lạc Hóa, sinh ngày 28-8-1908 tại Móng Cái – Hải Ninh, cha đẻ là Nguyễn Phương Ngôn, mẹ là Linh Thị Chi, ở số nhà 265 đường Trần Hưng Đạo, quận I, Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyến Lạc Hóa có hai chị gái: một chị nuôi và một chị ruột, và ba em trai : Thành, Phát, Nghiệp.

3. Những âm mưu và tội ác của địch ở Bình Hưng

Đầu năm 1958, sau khi Nguyễn Lạc Hóa cùng đồng bào giáo dân đạo Thiên Chúa chuyến về chổ mới (Biệt Khu Hải Yến), Hóa tăng cường tuyên truyền giáo lý, vận động những gia đình nhẹ dạ ở địa phương theo đạo Thiên Chúa. Đồng thời chúng bắt giáo dân xây dựng nhà thờ, đắp thành lũy tạo thành một thánh địa đạo Thiên Chúa.

Ngày 06-5-1959, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59 đưa quân áo rằn lê máy chém đi đàn áp khủng bố, bắt bớ, chém giết nhân dân và cán bộ cách mạng ở một số miền trên, Ở Minh Hải, bọn tay sai và phản động ráo riết đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng và nhân dân. Lúc này Nguyễn Lạc Hóa mở cửa nhà thờ đón những người bị nạn, lãnh những người bị địch truy nã để dụ dỗ theo đạo Thiên Chúa, làm tay sai và chống phá cách mạng. Chính từ đây, Nguyễn Lạc Hóa đã lộ nguyên hình là một tên tay sai đắc lực cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Những việc làm của Hóa trái với luân thường đạo lý, trái với lời dạy của Chúa.

Theo quy luật tự nhiên, nơi nào có áp bức, đàn áp ắt phải có đấu tranh. Nhân dân Phú Mỹ, Tân Hưng nói riêng và cả miền Nam nói chung đã đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa chuyển Vàng (1959-1960). Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Cái Nước, chính quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm đã đưa 500 lính vốn là Lữ đoàn 72 Quốc Dân Đảng Tưởng giới Thạch về cho Nguyễn Lạc Hóa xây dựng căn cứ quân sự (Biệt Khu Hải Yến). Mục đích và việc làm của chúng là tăng cường đàn áp phong trào cách mạng của ta, kiểm soát vùng biển phía Nam và Tây Nam. Dưới sự lãnh đạo và chi viện trực tiếp của Biệt Bộ Phủ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Nguyễn Lạc Hóa đã xây dựng một khu căn cứ quân sự vững chắc với diện tích gần 80 ha, xung quanh có bờ thành bao bọc cao 1,2m rộng 4m, trên bờ thành được bô trí nhiều chòi gác, phía ngoài có 5 đến 7 hàng rào dây thép gai và có đóng đồn bốt chốt giữ những đường giao thông huyết mạch để khống chế và kiểm soát mọi hoạt động của ta. Bên trong chúng có cả một bộ máy và guồng máy quân sự được trang bị khá hiện đại như: sân bay, Sở Chỉ Huy cố Vấn Mỹ, nhà Thờ, khu gia đình, trại giam, bệnh viện và nhiều loại vũ khí hạng nặng, tàu tuần tiểu…

Khi có một bộ máy quân sự khá vững chắc, Nguyễn Lạc Hóa cùng bọn tay sai phản động (Tàu Phù) đề ra luật lệ (có người lạ mặt vào nhà phải báo ngay, nếu không sẽ bị bỏ tù, đưa người qua sông sẽ bị giết), và khẩu hiệu (không cho Việt Cộng ăn cơm, không cho Việt Cộng uống nước dán trước cửa nhà dân. Đồng thời bọn Bình Hưng ráo riết thực hiện những cuộc càn quét, bắt bớ, chém giết rất man rợ. Chúng đã đưa về đây một cuộc thí nghiệm tra tấn, giết người bằng nhiều cách hết sức dã man, tàn nhẫn, không còn tính đồng loại. Những việc làm của Hóa đã đi ngược lại tâm linh của Chúa đã dạy:

Các bằng chứng tội ác của Hóa và đồng bọn đã thực hiện:

- Gia đình ông Tám Xồi ở Giáp Nước bị địch ném lựu đạn vào nhà giết hại 7 người.

- Gia đình ông Trứng ở ấp Rạch Chèo có 12 người bị giết toàn bộ

- Gia đình ông Chín Phát bị giết 9 người

- Gia đình ông Sáu Hòa bị giết 5 người, gồm một cụ già 90 tuổi và hai cháu nhỏ, vợ và con dâu ông Sáu đang có thai.

- Gia đình ông Chữ ở Tân Quảng A bị giết 6 người. Ngoài ra còn rất nhiều gia đình bị thảm sát khác…

- Mẹ con bà Bảy Xịt là dân lương thiện bị bọn biệt kích bắt được đưa lên tàu, tên Trứ cùng đồng bọn giở trò sàm sở với cô Loan (con bà Bảy Xịt), bị cô phản ứng quyết liệt. Không thực hiện được ý đồ mang tính thú vật, tên Trứ đã bắn cô Loan và bà mẹ, đẩy cô xuống sông trong lúc cô còn đau đớn

- Ông Nguyễn Văn Phiếu bị bắt treo lên cây, chọc huyết pha rượu, mổ bụng moi gan làm tái chanh nhậu

- Liệt sĩ Nguyễn Hồng Cao là cán bộ của ta hoạt động nội gián, là nhân viên điều tra, khi bị lộ ông bị bọn Bình Hưng tra tấn rất dã man. Nhưng ông một lòng giữ khí tiết, trung kiên với cách mạng, cuối cùng chúng đem ông đi chôn sống với tư thế đứng.

- Bà Lữ Thị Tám 50 tuổi bị chúng bắt giết lấy thịt xào ăn

- Ông Nguyễn Văn Nghi bị chúng bắt bỏ vào lu, đậy vĩ sắt, đổ nước sôi trước lúc đến nhà thờ xưng tội với Chúa. Xưng tội xong chúng quay về lôi anh ra lóc thịt, gan, tim xào nấu để nhậu

- Ông Phạm Văn Ký bị chúng dùng búa chặt đầu

- Anh Hoàng Quất 24 tuổi là người Bắc di cư bị tù, trong lúc sơ hở anh tìm cách để trốn nhưng anh đã bị bắt lại, bị lính Bình Hưng moi gan, tim để nấu ăn

- Bọn biệt kích Bình Hưng đi càn vào Tân Thành bắn chết chị Nguyệt (người Khơme) trong lúc chị đang bồng cháu nhỏ, tiếng khóc của cháu thét lên khi văng ra khỏi tay chị. Nhưng chúng không tha cho cháu bé vô tội, bọn lính đã dùng gót giày chà đạp lên thân thể cháu cho đến khi cháu chết, máu và sữa trong bụng cháu trào ra rất thương tâm.

- Một nạn nhân hiện nay còn sống là anh Nguyễn Bé, phóng viên báo Minh Hải. Cha mẹ anh bị bọn Bình Hưng giết hại khi anh còn bé. Chúng thực hiện chính sách diệt tận gốc, nên đã bỏ anh vào cối để giã. Nhưng anh đã được một bà mẹ sanh cho Nguyễn Lạc Hóa xin tha tội và anh được cứu sống.

Trên đây là những nạn nhân bị bọn Bình Hưng giết hại trong số 1.675 người (Minh Hải 30 năm chiến tranh giải phóng). Ngoài ra bọn Tàu Phù ở Bình Hưng còn thực hiện nhiều cách giết người khác như: Chặt đầu hút máu, cắt lỗ tai phơi khô, xào ăn, lấy mật uống và bán cho bọn thầu ở Sài Gòn, chặt đầu treo lên cây, bêu lên cọc miệng ngậm thuốc lá làm trò chơi cho chúng và áp đảo tinh thần đấu tranh của nhân dân. Tàn ác hơn là giết người lấy thịt ép nhân dân phải mua.

Trong thời gian từ cuối năm 1959-1963 do bị đàn áp và khủng bố ác liệt, nhiều gia đình nông dân đã bỏ nhà đi nơi khác làm ăn, nhiều gia đình bị Nguyễn Lạc Hóa dụ dỗ, mua chuộc theo đạo và làm tay sai cho bọn Bình Hưng. Khi họ vừa thấy tội ác của Hóa, họ đã tìm cách thoát khỏi nanh vuốt của bọn khát máu.

Những tội ác man rợ của bọn tay sai, phản động tàn quân Quốc dân Đảng (tàu phù) đã được tên Lương Chí Xền khai trước tòa án nhân dân. Chính bản thân tên Xền cũng đã nhiều lần ăn thịt, gan người.

“Bọn lính Bình Hưng đi càn quét các vùng lân cận bắt con gái về lập nhà chứa (lầu xanh), tên lính nào có nhu cầu đi nhà chứa tới ký lãnh lương đều bị trừ. Bọn Bình Hưng ăn thịt người đã tới lúc thấy ngon miệng, biết chế biến ra nhiều món xào nấu, biết lỗ tai và bàn tai người là ngon nhất, giành nhau từng cái mật người, chúng nó đâm, bắn nhau bởi vì một cái mật người, có thế bán từ 1.000 đồng đến 1.800 đồng một mật người cho bọn thầu ở Sài Gòn mua. Bọn Diệm thường gọi Bình Hưng (Biệt khu Hải Yến) là bất khả xâm phạm, tổng thống Ke- nơ –đi tặng Bình Hưng là “ngôi sao sáng của thế giới tự do”, chỉ có bà con Cà Mau gọi Bình Hưng với cái tên “địa ngục Mỹ-Diệm-Tưởng”. Lũ giặc Bình Hưng trong cơn say chếch choáng giữa bữa tiệc thịt người thường vỗ ngực nói rằng “Nếu Việt cộng đánh được Bình Hưng thì Việt Cộng lấy được miền Nam” (bức thư Cà Mau-Anh Đức) . Những lời ca tụng của Diệm, Tổng thống Mỹ và những lời thách đố của bọn giặc Bình Hưng là một điều nghịch lý trái với đạo lý của nhân loại…

Những việc làm của Nguyễn Lạc Hóa trái với kinh thánh đã dạy và bị giáo dân, nhân dân lên án, chính quyền Ngô Đình Diệm thôi cho Hóa nắm quyền chỉ huy căn cứ quân sự, thay vào đó là Đại úy Khuê nắm quyền chỉ huy. Khi tên Khuê lên nắm quyền, tiếp tục thực hiện những âm mưu, chiêu bài của Mỹ-Diệm, tăng cường khủng bố, đàn áp, chống phá phong trào đấu tranh của ta bằng những tội ác dã man như đã nêu trên, đẫm máu nhất là hai tên Nguyến Lạc Hóa và Đại úy Khuê nắm quyền chỉ huy.

4. Bình Hưng và những trang bị vũ khí đạn dược, phương tiện chiến tranh giai đoạn 1858-1963

Theo báo cáo của địch trong kho lưu trữ TW II:

1- Vũ khí đạn dược: 55 tấn

2- Quân trang: 1,4 tấn + 1000 bộ quân phục

3- Xuồng ba lá: 100 chiếc

4- Tàu tuần tiểu trên biển: 02 cái (Hải Hưng và Hải An)

5- Máy vô tuyến AN PRC10: 04 cái

6- Máy vô tuyến AN/GRC: 02 cái

7- Máy nạp điện (charge battgei) : 1 cái 12 volt-200w

8- Tôn (tấm lợp): 2.750 tấm, 300 tấn tole

9- Gạo: 6 tấn

10- Bột mì: 12,5 tấn

11-Quân số 5 lần chi viện là 1.308, lần đầu bổ sung 500 quân. Chủ yếu là lính Quốc dân Đảng Tưởng giới Thạch (Tàu Phù)

12- Đồn bót có 7 đồn

13- Cố vấn Mỹ gần 1 tiểu đội

14- Các đơn vị gồm 9 đại đội 901,902, 903,…909

15- Các tên nắm quyền chỉ huy từ 1954-1975:

+ Linh mục Nguyễn Lạc Hóa

+ Đại Uý Khuê

+ Thiếu tá Vòng Cá Hồ

+ Thiếu tá Nông Viết Ngọc

+ Thiếu tá Lê Văn Tá

+ Thiếu tá Nguyễn Văn Phú

Đến giữa năm 1966 ta biết được đường hành quân của địch nên đã bố trí lực lượng tại Đòn Dông phục kích địch. Kết quả ta tiêu diệt gọn một tiểu đoàn của Bình Hưng đi càn, chủ yếu là lính Tàu Phù, tên thiếu tá Vòng Cá Hồ chỉ huy và 2 tên Mỹ bị tiêu diệt tại chổ, bắt sống nhiều tù binh. Đây là thắng lợi tiêu biểu của ta từ khi thực hiện lời kêu gọi của Tỉnh ủy Cà Mau.

Ngày 01-11-1963 tập đoàn tay sai gia đình Ngô Đình Diệm bị lật đổ, sau đó là Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh lên thay, lúc đó sự đàn áp, bắt giết của bọn lính Bình Hưng có phần giảm xuống. Đến thời kỳ Nguyễn Văn Thiệu lên nắm quyền tổng thống chính quyền Sài Gòn, căn cứ quân sự Bình Hưng không còn chịu sự chỉ huy của Biệt Bộ Tham Mưu phủ tổng thống và chịu sự chỉ huy của vùng Bốn chiến thuật và Tỉnh trưởng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

5. Khảo tả di tích

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), di tích Bình Hưng được Quân khu 9 giao cho Tiểu đoàn II tiếp thu và đóng doanh trại tại đây. Đến năm 1990, Tiểu đoàn II và quân Khu 9 bàn giao lại cho Huyện đội Cái Nước quản lý 30 ha đất để sản xuất kinh tế. Toàn bộ các công trình kiến trúc của khu căn cứ quân sự Bình Hưng đều bị đơn vị Tiểu đoàn II tháo gỡ. Ngày 5-8-1994, được sự phân công của Bảo Tàng tỉnh Minh Hải, chúng tôi đến địa phương và đi điền dã thu thập tư liệu, khảo sát di tích:

- Điền dã tại di tích: Khi đoàn đến di tích tại đây có một đơn vị bộ đội của Huyện đội Cái Nước đang đóng doanh trại tại di tích, được đơn vị dẫn đi thị sát toàn bộ di tích. Theo báo cáo của đơn vị bộ đội ở đây, di tích hiện còn khoảng 30 ha đất gò và ruộng, còn 50 ha ruộng đã cấp cho nhân dân sản xuất. Di tích hiện nay còn gần 1km bờ thành bảo vệ, kênh mị, một mố cầu vĩnh biệt xây dựng bê tông cốt săt, dấu vết của 3 hố chôn người tập thể.

Đoàn đã gặp một số nhân chứng đã từng là lính Bình Hưng, cán bộ cách mạng, là nạn nhân của Bình Hưng nhằm khai thác tư liệu về tội ác của bọn tay sai Bình Hưng. Chúng tôi đã cùng với phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cái Nước, kết hợp với xã Phú Tân mời các nhân chứng có hiểu biết về Bình Hưng, là lính Bình Hưng, là nạn nhân của chứng tích tội ác Bình Hưng…về Xã ủy Phú Tân mở cuộc tọa đàm ngày 8-8-1994. Kết quả đợt điền dã chúng tôi thu thập được rất nhiều tư liệu về sự hình thành và tội ác của địch đối với đồng bào ta tại Biệt Khu Hải Yến - Bình Hưng.

6. Giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học, nghệ thuật

               Mặc dù di tích hiện nay hầu như bị phế tích, song, gần 30 ha đất còn lại cùng với các tài liệu, tư liệu lịch sử của các nhân chứng còn sống…Di tích là một bằng chứng hùng hồn chứng minh những âm mưu và tội ác đẫm máu của bọn Mỹ-Ngụy nói chung, tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm, bọn độc tài tay sai tại căn cứ như Nguyến Lạc Hóa, Đại úy Khuê, Tư Xầu, tên Trứ cùng bọn lính Tàu Phù nói riêng… tội ác tày đình và những âm mưu thù địch chống phá cách mạng, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ dân tộc của bọn Mỹ-Diệm ở chiến trường Phú Mỹ, Tân Hưng Tây và cả chiến trường miền Nam là những hành động phi nhân tính không thể nào chối cãi được của chế độ Mỹ-Diệm đương thời. Nó càng khiến lòng căm thù của nhân dân và đồng bào ta càng thêm sâu sắc hơn, nung nấu thêm lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng, quyết đánh đuổi kẻ thù giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Lịch sử sẽ không bao giờ quên 1.675 đồng bào Minh Hải bị bọn Bình Hưng giết hại, càng thấm thía và trân trọng nền hòa bình đã được đánh đổi bằng máu xương và nước mắt./.

Tải về

Tác giả: Cẩm Hường tổng hợp

Liên hệ

Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Phú Tân

Địa chỉ:Thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau