image banner
TIN MỚI
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 19
  • Trong tháng: 2,444
  • Tất cả: 82,843
DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH: CĂN CỨ TỈNH ỦY XẺO ĐƯỚC
Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước thuộc ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 371/QĐ-UBND ngày 11/6/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

THÔNG TIN DI TÍCH

 

Địa điểm di tích: Ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Quyết định xếp hạng di tích: Quyết định số 371/QĐ-UBND ngày 11/6/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Cơ quan được phân cấp quản lý di tích: Bảo tàng tỉnh Cà Mau.

Người viết lý lịch: Hồ Văn Khải

anh tin bai

 

LÝ LỊCH KHOA HỌC DI TÍCH

A. Nội dung tóm tắt

Di tích thuộc ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Đây là căn cứ của Tỉnh ủy trong những năm 1960-1975, nơi đây đồng bào đã đùm bọc, che chở và bảo vệ an toàn các cơ quan của Đảng. Từ đây, những chủ trương chính sách lớn được ban ra, những nghị quyết có tầm quan trọng chiến lược được soạn thảo, phát động cao trào quần chúng nhân dân chống bình định, phá ấp chiến lược… Suốt khoảng thời gian trên 15 năm, các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan của Tỉnh được nhân dân nơi đây đùm bọc, che chở để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh nhà vượt qua những giai đoạn ác liệt đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, năm 2007 tỉnh Cà Mau cho xây dựng tượng đài và nhà trưng bày truyền thống – nơi trưng bày những hình ảnh, hiện vật có liên quan đến di tích căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước và phong trào đấu tranh của Đảng bộ, quân dân tỉnh Cà Mau trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Giai đoạn II của công trình đang thực thiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Công trình được phục dựng trên nền đất căn cứ xưa với diện tích hơn 3,6ha, gồm các hạng mục: Nhà Bí thư, Hội trường, Nhà họp Ban thường vụ, Văn phòng, Nhà ăn, Nhà văn thư-đánh máy, Nhà Mã thám, Chốt đội phòng thủ...

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước tại Quyết định số 371/QĐ-UBND ngày 11/6/2007.

B. Nội dung chi tiết

1. Sự kiện nhân vật lịch sử và thuộc tính của di tích

Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, buộc thực dân Pháp ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, thừa nhận chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, nhảy vào miền Nam thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa của chúng. Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên lập chính phủ bù nhìn ban hành luật 10/59 công khai chém giết cán bộ, chiến sĩ, những người một lòng đi theo cách mạng. Chúng lê máy chém đi khắp nơi và đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật để chúng thẳng tay trừng trị.

Trước tình hình đó Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương: Các cấp Đảng bộ phải bám sát quần chúng, vận động quần chúng đấu tranh chống khủng bố, chống qui tập ấp, đồng thời tổ chức diệt những tên ác ôn, hỗ trợ phong trào đấu tranh của nhân dân, phát triển và xúc tiến xây dựng thực lực cách mạng…

Ấp Xẻo Đước là nơi có vị trí rất thuận lợi cho cách mạng bởi nó cách xa thị xã, mực nước dưới Đầm Thị Tường cạn không sợ kẻ thù dùng tàu lớn vào, còn trên đường bộ rất hiểm trở. Hơn nữa ở đây có rừng chồi, cây cối, có vườn tược, dừa nước mọc ven sông… dân cư sống đều khắp. Chính vì thế ấp Xẻo Đước ngay những năm đầu chống thực dân Pháp được một số đồng chí Khu ủy và Trung ương Cục chọn làm nơi ẩn náu dựa vào dân để xây dựng chổ đứng chân lãnh đạo phong trào cách mạng.

Năm 1960, do yêu cầu của cuộc trường kỳ kháng chiến nên Tỉnh ủy chọn Xẻo Đước làm trung tâm căn cứ Tỉnh ủy, lúc này đồng chí Vũ Đình Liệu làm Bí thư Tỉnh ủy. Từ tháng 8/1960, đồng chí Phan Ngọc Sến làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Hoàng Minh Nhất làm Chánh văn phòng Tỉnh ủy.

Lúc đầu Tỉnh ủy hoạt động trong phạm vi nhỏ, sau đó phát triển rộng ra. Đầu năm 1961, tại căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Tỉnh ủy Cà Mau ra Chỉ thị: Phát huy hơn nữa cao trào nổi dậy khởi nghĩa của quân dân trong tỉnh, ra sức xây dựng lực lượng cách mạng, kiên quyết tấn công địch giành thắng lợi lớn hơn. Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy đồng chí Phan Ngọc Sến (Mười Kỷ – Bí thư Tỉnh ủy), đồng chí Trần Văn Tập (Hai Đại – Trưởng ban quân sự tỉnh), được phân công chỉ đạo khẩn trương xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang tổ chức bộ máy quân sự từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Với phong trào Đồng khởi của quân và dân trong tỉnh, tấn công địch bằng lực lượng chính trị quần chúng, lực lượng vũ trang và binh vận đã đập tan bộ máy tề, điệp của địch ở hầu hết các vùng nông thôn, tiêu diệt, bức rút, bức hàng nhiều đồn bót địch …

Thế lực của ta ngày càng mạnh hơn đông hơn, sự lãnh đạo của Đảng ngày một lớn lên, chính vì thế mà cơ quan của Tỉnh ủy ngày càng phát triển qui mô hơn, chỗ nơi làm việc của Tỉnh ủy cũng được tổ chức với qui mô phù hợp để phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy. Do đó để đảm bảo cơ sở cách mạng vững chắc, Tỉnh ủy quyết định chọn khu vực Xóm Mới, ấp Xẻo Đước làm trung tâm căn cứ, chỗ đứng chân của Tỉnh ủy bởi nhân dân ở đây có truyền thống một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Trong căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước lúc bấy giờ có hội trường, nhà làm việc của lãnh đạo Tỉnh ủy, nhà của bộ phận cơ yếu, đội bảo vệ của Tỉnh ủy, hầm bí mật của các đồng chí lãnh đạo, nhà bếp, cây nước … Văn phòng Tỉnh ủy là bộ phận phục vụ cấp ủy, phục vụ sự điều hành chung của cả tỉnh nên nhiệm vụ đặt ra cao hơn nặng nề hơn. Từng bộ phận trực thuộc văn phòng cấp ủy được các đồng chí lãnh đạo văn phòng Tỉnh ủy phổ biến và phân công chuẩn bị mọi công việc để đảm bảo phục vụ theo yêu cầu của cấp ủy, phải có các bộ phận chuyên môn cụ thể như: bộ phận văn thư, đánh máy xong phải lau chùi, sửa chữa máy đánh chữ, dự phòng thêm văn phòng phẩm nhất là giấy pơ-luya, giấy cac-bon, giấy ru-băng, in ấn tài liệu, nhật ký công văn đi, đến. Lúc bấy giờ văn phòng Tỉnh ủy chỉ có 02 máy đánh chữ, bộ phận nghiên cứu (có lúc gọi Ban nghiên cứu) có nhiệm vụ nắm và xử lý thông tin, làm các báo cáo dự thảo nghị quyết. Bộ phận quản trị tài chính, y tế lo công việc hậu cần chăm sóc sức khoẻ, bộ phận giao thông công khai và bí mật, bộ phận điện đài, cơ công, mã thám, cơ yếu, đại đội phòng thủ bảo vệ căn cứ…

Năm 1960, Đài Vô tuyến điện Cà Mau dời về khu vực Đầm Thị Tường, Khâu Bè, Vịnh Dừa, Xẻo Đước có các đồng chí Út Yên và Hai Lực. Bộ phận cơ yếu do đồng chí Ngô Thị Hè (Hai Phương) phụ trách.

Đến năm 1961, bộ phận cơ yếu được bổ sung thêm các đồng chí: Ba Lập, Năm Hùng, Út Thanh, Út Bảy và Hai Vân. Bộ phận này chỉ quan hệ với Đài về nghiệp vụ, còn tổ chức cơ yếu thì do cấp ủy lãnh đạo. Hoạt động của Đài Vô tuyến điện Cà Mau lúc này là thường xuyên liên lạc với Tỉnh ủy, dù hoàn cảnh nào cũng không được phép gián đoạn, mỗi ngày liên lạc với Tỉnh ủy ít nhất hai lần, có những bức điện khẩn sau khi chuyển xong được đồng chí Phan Ngọc Sến – Bí thư Tỉnh ủy khen ngợi vì những bức điện đến thật đúng lúc, góp phần chỉ đạo phong trào cách mạng mạnh mẽ. Việc đi lại, ăn ở của các đồng chí hết sức khó khăn, vất vả, tất cả phải gắn bó với nhân dân. Đầu năm 1961, đồng chí Ba Trương về nhận nhiệm vụ tại Đài Vô tuyến điện Cà Mau, Đài Vô tuyến điện lúc này chỉ có 03 đồng chí, đồng chí Út Yên vừa phụ trách chung vừa làm điệp báo viên, đồng chí Ba Trương phụ trách cơ công, vừa sửa chữa máy thu phát, vừa lắp ráp máy dự phòng để khi cần sẽ dựng lên một Đài mới, đồng chí Sáu Phú vừa tập sự điệp báo viên, vừa tập làm cơ công.

Đầu năm 1963, nhu cầu đưa tin thắng trận lớn, Tỉnh ủy quyết định thành lập thêm Đài Minh Ngữ trực thuộc Ban Tuyên Huấn để đưa tin về Thông Tấn Xã Việt Nam, Đài do đồng chí Trần Phương Thế (Tám Thậm) phụ trách. Về sau bổ sung thêm đồng chí Bùi Chí Hiếu (Hai Trung), Năm Hương và đồng chí Công. Ngày 09/9/1963 sau chiến thắng Chi khu Cái Nước ta lấy được máy GRC9 của Mỹ, trang bị cho ngành Công an. Sau chiến thắng Chi khu Cái Nuớc, Đầm Dơi ta thu được năm máy PRC25, những trận công đồn khác ta lấy được nhiều loại máy như: PRC6, PRC10, TR20, Bachelet … Năm 1962, anh hùng Nguyễn Việt Khái với tám phát Carbine làm rớt bốn máy bay trực thăng của Mỹ. Ta tận dụng các bộ phận xác máy bay này các đồng chí Đài Vô tuyến điện tỉnh chế tạo ra nhiều máy Vô tuyến điện phục vụ cho Tỉnh ủy.

Bộ phận mã thám tỉnh Cà Mau được hình thành từ khi Mỹ – Diệm tiến hành cuộc Chiến tranh Đặc biệt ở miền Nam Việt Nam. Tổ chức bộ máy là một số cán bộ chuyên trách trực thuộc văn phòng Tỉnh ủy và trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Bộ phận này chỉ có 03 đồng chí: Tư Vui, Phạm Văn Bảo và Đoàn Hiệp Nghĩa, đồng chí Tư Vui phụ trách bộ phận máy móc, trang thiết bị lúc đầu hết sức thô sơ, đơn giản như: Radio, máy PRC10 và những đoạn dây phi-đơ dã chiến. Từ năm 1965 -1975 bộ phận mã thám mới được tăng cường thêm. Tất cả lực lượng có 11 đồng chí: Trần Phương Thế, Nguyễn Minh Quang, Phan Văn Sáng, Lê Bé Tư, Lê Anh Hùng, Lê Quang Trung, Nguyễn Minh Chiến, Hồ Xuân Lộc, Lê Ngọc An, Phạm Văn Hùng và đồng chí Sáu An.

Tháng 4/1971, anh em mã thám phát hiện địch sắp đổ quân càn quét khu vực Đầm Thị Tường. Đúng theo kế hoạch hành quân, bọn chúng dùng trực thăng chở tiểu đoàn 412 và đại đội 416 ở Chi khu Rạch Ráng đổ lên Đất Cháy – Đầm Thị Tường. Mỹ –Ngụy không biết rằng ta đã bố trí sẵn đơn vị Đ10 chờ địch rơi vào ổ phục kích ta tiêu diệt 4 máy bay trực thăng và nhiều tên giặc.

Mã thám là một tổ chức hoạt động hoàn toàn bí mật trong chiến tranh, nhiệm vụ chủ yếu là thu nhận tất cả chủ trương, chỉ thị, mệnh lệnh của địch, giúp cấp ủy nắm sát diễn biến tình hình để ứng phó nhạy bén thích hợp. Mã thám khai thác hầu hết những “ bí quyết, bí mật quốc gia” của địch mà chúng không hề biết .

Từ những ngày đầu của năm 1960 đến 1975, ngành giao bưu vận và thông tin Vô tuyến điện Cà Mau đã trực tiếp bảo vệ đầu não của Đảng tại căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước và nhiều nơi khác cho các cấp ủy Đảng, các ban ngành, đoàn thể an toàn góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ.

Cùng với lực lượng bảo vệ và tham mưu giúp việc cho Tỉnh ủy trong thời gian từ 1960 -1975 còn có đại đội phòng thủ (F91). Đại đội phòng thủ được thành lập lúc đầu chủ yếu bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy và các cơ quan, lãnh đạo. Đội phòng thủ từ khi thành lập đến 1975 có các đồng chí: Bảy Nẫu, Tư Giác, Tư Lê, Tám Quới, Năm Nhanh, Út Tài, Tám Danh, Sáu Mới, Út Đen, Hai Dũng, Phạm Minh Hiệp…sau đó tăng cường thêm một đồng chí. Đại đội phòng thủ chia thành 4 đội có trên 100 thành viên. Từ năm 1969 vũ khí sử dụng để bảo vệ Tỉnh ủy như AK, CKC, K3 (trung liên), M79, các loại súng ngắn như K59, K54… trang bị cho cán bộ Đại đội, sử dụng bảo vệ bên ngoài có các loại mìn: Mìn định hướng, B40, B41…

Ở Cà Mau lúc bấy giờ địch đưa tên Nguyễn Văn Út về làm Tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng và đưa tiểu đoàn 4 trung đoàn 32 thuộc sư đoàn 21 Ngụy cơ động ứng chiến, có 30 tên Mỹ làm cố vấn. Chúng củng cố lại 28 đồn và 14 lô cốt.

Cuối năm 1962, tại căn cứ Xẻo Đước đồng chí Nguyễn Ngọc Sanh (Mười Thiện) Bí thư Tỉnh ủy chủ trì phiên họp mở rộng, kiểm điểm đánh giá phong trào nổi dậy của nhân dân trong tỉnh, đồng thời đề ra chủ trương tiếp tục đánh địch bao vây đồn bót, củng cố vùng giải phóng…

Từ năm 1960 đến 1975 ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân được chọn làm trung tâm căn cứ, điểm đứng chân của Tỉnh ủy Cà Mau. Nơi đây đồng bào đã đùm bọc, che chở và bảo vệ an toàn các cơ quan của Đảng. Từ đây những chủ trương, chính sách lớn được ban ra, những nghị quyết có tầm quan trọng chiến lược được soạn thảo, phát động cao trào quần chúng nhân dân chống bình định, phá ấp chiến lược…Suốt thời gian dài trên 15 năm, các đồng chí lãnh đạo và các ban của tỉnh, Trung ương Cục, Quân Khu…được nhân dân nơi đây đùm bọc, che chở để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh nhà vượt qua những giai đoạn ác liệt đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Dưới những vườn dừa rợp bóng là những căn nhà lá đơn sơ là Hội trường, nhà làm việc, nhà ăn của các đồng chí lãnh đạo Đảng tỉnh nhà cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo của Trung ương Cục, của Khu Tây Nam Bộ, của Quân Khu … nằm phía sau rặng đước trông ra Đầm Thị Tường. Bên bờ dừa là những hầm bí mật liên thông, các chiến hào sẵn sàng bảo vệ các đồng chí lãnh đạo và căn cứ .

2. Khảo tả di tích

Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước thuộc Xóm Mới, ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Trước đây vào những năm 1960-1975 di tích còn nhiều ngôi nhà, hội trường, bếp ăn, cây nước, nhà ở của đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy… nhưng hiện nay di tích chỉ là một khu đất rộng 4ha, chủ yếu là vuông tôm, không còn gì khác. Vừa qua Bảo tàng tỉnh đã dựng Bia ở các nơi ngày trước là điểm ở, hội trường, cây nước ….Trước mặt di tích là Đầm Thị Tường, hiện nay trữ lượng tôm cá giảm sút đáng kể, nếu đầu tư đúng mức sẽ khai thác được tiềm năng du lịch của đầm. Hạ tầng cơ sở chưa được phát triển, tuy nhiên lưới điện quốc gia đã được kéo về, đây là tiền đề của các loại hình sản xuất và dịch vụ.

3. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

Thường lệ vào Tết Nguyên đán Tỉnh ủy, UBND tổ chức về nguồn thăm lại khu căn cứ.

4. Các hiện vật trong di tích

Di tích hiện nay là phế tích, toàn khu là vuông tôm…

5. Giá trị lịch sử khoa học, nghệ thuật, văn hóa

Từ việc xác định những giá trị lịch sử và quan điểm “uống nước nhớ nguồn” việc trùng tu di tích căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước sẽ làm sống lại những trang sử vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà. Nhằm giúp mỗi người chúng ta nhớ đến một thời chiến tranh, dân nhân nơi đây một lòng theo Đảng và đã hết lòng đùm bọc chở che những cán bộ chiến sĩ. Và giúp chúng ta nhớ đến các đồng chí, đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này góp phần vào trang sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống bất khuất, vẻ vang của tỉnh nhà cho thế hệ trẻ, kế tục sự nghiệp cha anh, học tập rèn luyện góp phần vào xây dựng kiến thiết quê hương.

Đầm Thị Tường thơ mộng, nơi đây sẽ trở thành điểm hẹn du lịch hấp dẫn khách tham quan trong và ngoài nước, là tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh nhà trong tương lai không xa./.

Tải về

Tác giả: Cẩm Hường tổng hợp

Liên hệ

Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Phú Tân

Địa chỉ:Thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau